Trả lời:
Tầm soát ung thư vú có thể giúp phát hiện bệnh sớm ở phụ nữ. Hiệp hội Ung thư Mỹ khuyến cáo phụ nữ khoảng 40-54 tuổi nên tầm soát ung thư vú bằng cách chụp X quang vú (còn gọi là nhũ ảnh) mỗi năm một lần. Phụ nữ từ 55 tuổi trở lên nên chụp nhũ ảnh tầm soát hai năm một lần hoặc một năm một lần.
Bạn 41 tuổi, nằm trong độ tuổi khuyến cáo thì tốt nhất nên tầm soát ung thư vú định kỳ.
Chụp nhũ ảnh giúp bác sĩ chẩn đoán các bệnh tuyến vú, trong đó có ung thư vú ở phụ nữ. Theo đó, chụp nhũ ảnh 2D (X quang vú) là kỹ thuật dùng tia X đi qua tuyến vú để ghi hình ảnh lên phim hoặc dưới dạng ảnh kỹ thuật số.
Khi chụp X quang, bệnh nhân ở tư thế đứng hoặc ngồi, vú được ép nhẹ giữa hai bản ép của máy. Các máy chụp thường có chế độ kỹ thuật tự động, đảm bảo ép vú vừa phải, không gây đau mà vẫn đạt yêu cầu về chất lượng hình ảnh. Mục đích của ép vú là giảm độ dày của tuyến vú, tia X xuyên thấu qua đồng nhất hơn.
Chụp nhũ ảnh 3D kỹ thuật số là phương pháp chụp nhũ ảnh tiên tiến nhất hiện nay. Kỹ thuật này giúp thu nhận và kết hợp các thông tin hình ảnh mô vú từ nhiều góc độ khác nhau để tạo ra hình ảnh dữ liệu 3D của toàn bộ mô vú. Khối dữ liệu này được hiển thị thành các lát cắt song song với bề mặt tấm nhận ảnh, làm giảm ảnh hưởng của xảo ảnh chồng lấp (vốn là hạn chế của kỹ thuật chụp nhũ ảnh 2D).
Chụp nhũ ảnh 2D hay 3D được chỉ định tùy từng trường hợp cụ thể. Thông thường, chụp nhũ ảnh 2D được bác sĩ chỉ định ban đầu để tầm soát, chẩn đoán và theo dõi các bệnh lý tuyến vú. Kỹ thuật này giúp khảo sát vi vôi hóa ở vú (kích thước nhỏ hơn 1 mm) tốt hơn nhũ ảnh 3D và thường có chi phí thấp hơn.
Trong khi đó, chụp nhũ ảnh 3D cũng được chỉ định trong tất cả trường hợp cần tầm soát, chẩn đoán và theo dõi bệnh lý tuyến vú, nhất là ở phụ nữ có mô vú đặc, dễ gặp hạn chế trên nhũ ảnh 2D. Khi kết hợp nhũ ảnh 2D và nhũ ảnh 3D, độ nhạy tăng từ 60% lên 90,1%.
Chụp nhũ ảnh 3D chụp được nhiều hình ảnh từ những góc khác nhau trong lúc tia X quét theo hình vòng cung trên vú, từ đó mô phỏng nên hình ảnh ba chiều của vú, không bị chồng lấp bởi mô vú đặc. Nhờ đó, bác sĩ có thêm thông tin để phát hiện những bất thường tại vú tốt hơn.
Do những ưu điểm khác nhau và tùy trường hợp, bác sĩ cân nhắc chọn chụp nhũ ảnh 2D hay 3D để tầm soát, chẩn đoán bệnh tuyến vú. Bạn nên đi khám để được bác sĩ tư vấn trực tiếp.