Sự thay đổi tuyến vú trong và sau khi mang thai
Nếu bạn đang mai thai, bạn hẳn sẽ đặt nhiều câu hỏi xung quanh sự thay đổi của tuyến vú trong giai đoạn mang tính bước ngoặt này. Điều quan trọng là bạn phải tự cảm nhận được tuyến vú của mình trong và sau quá trình mang thai. Điều này có nghĩa là bạn nên làm quen với bộ ngực về hình dạng cũng như cảm giác để nhận biết sớm nhất bất kỳ sự thay đổi bất thường nào đang diễn ra đối với tuyến vú. Điều này sẽ giúp bạn cảm thấy tự tin hơn và cũng dễ dàng phát hiện được bất kỳ sự thay đổi bất thường nào xảy ra đối với tuyến vú.
1. Nhận biết tình trạng bầu vú khi mang thai
Vú thay đổi rất nhiều khi mang thai, vì vậy có thể khó nhận thấy bất kỳ bất thường nào vào thời điểm này. Nếu bạn không chắc chắn về bất kỳ thay đổi nào đối với bộ ngực của mình, hãy nói chuyện với nữ hộ sinh hoặc bác sĩ gia đình.
Vú được tạo thành từ các tiểu thùy (tuyến sản xuất sữa) và ống dẫn (ống dẫn sữa đến núm vú). Chúng được bao quanh bởi các mô tuyến, sợi và mỡ. Mô này tạo nên kích thước và hình dạng của vú. Vùng da sẫm màu quanh núm vú được gọi là quầng vú. Trên quầng vú có một số vết sưng nhỏ gọi là tuyến Montgomery, tạo ra chất lỏng để giữ ẩm cho núm vú.
2. Ngực thay đổi như thế nào trong quá trình mang thai
Ngực của bạn sẽ thay đổi trong suốt quá trình mang thai để chuẩn bị cho em bé bú. Những thay đổi này được gây ra bởi sự gia tăng hormone. Bạn có thể gặp những điều sau đây:
- Đau hoặc thay đổi cảm giác của vú và núm vú;
- Tăng kích thước vú;
- Thay đổi màu sắc và kích thước của núm vú và quầng vú;
- Các tuyến Montgomery lớn hơn và đáng chú ý hơn.
Từ khoảng tuần thứ 16 của thai kỳ, ngực đã có thể sản xuất sữa. Vì thế bạn có thể có một chút sữa non rỉ ra từ núm vú bắt đầu từ thời gian này. Nếu điều này làm bạn cảm thấy khó chịu thì bạn có thể sử dụng một miếng đệm ngực (một miếng vải dùng một lần hoặc có thể giặt được) đặt bên trong áo ngực của bạn. Hoặc bạn có thể mặc áo lót ngực mỏng khi ngủ nếu nó giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn.
Phụ nữ thường được khuyên nên tránh một số loại thuốc giảm đau khi mang thai, nhưng nếu ngực của bạn đặc biệt đau, bạn có thể nói chuyện với bác sĩ hoặc nữ hộ sinh để được tư vấn về việc thuốc giảm đau hoặc bất kỳ biện pháp nào khác
3. Các khối u vú có phổ biến trong thai kỳ?
Khối u vú đôi khi cũng có thể phát triển trong thai kỳ. Những cái loại khối u phổ biến nhất là:
- U nang (túi chứa đầy chất lỏng)
- Galactocele (u nang chứa đầy sữa)
- U xơ tuyến (phát triển trong các tiểu thùy của vú)
Đây là những tình trạng vú lành tính (không phải ung thư). Nếu bạn bị u xơ tử cung trước khi mang thai, bạn có thể thấy khối u sẽ trở nên lớn hơn khi mang thai.
Ung thư vú ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và trong khi mang thai là không phổ biến. Tuy nhiên, khi bạn phát hiện thấy bất kỳ một khối u vú mới nào, hoặc một khối u cũ có sự thay đổi như là phát triển to hơn thì bạn nên gặp Bác sĩ để được thăm khám.
4. Núm vú rỉ máu có phải dấu hiệu bình thường không?
Một vài phụ nữ có thể thỉnh thoảng bị rò rỉ máu từ núm vú. Điều này là do sự gia tăng số lượng và kích thước của các mạch máu trong quá trình mang thai. Mặc dù điều này có thể là bình thường trong khi mang thai, nhưng tốt nhất bạn nên đến Bác sĩ để làm các xét nghiệm kiểm tra nếu có triệu chứng này.
5. Sử dụng áo ngực phù hợp khi mang thai
Khi ngực của bạn tăng kích thước, bạn nên kiểm tra xem áo ngực của bạn có quá chật không. Bạn có thể thấy thoải mái hơn khi mặc áo bà bầu hoặc áo ngực mềm. Bạn cũng có thể mặc các loại áo ngực khi đi ngủ nếu bạn cảm thấy ngực của bạn cần hỗ trợ thêm trong khi ngủ.
Nếu bạn muốn nuôi con bằng sữa mẹ, bạn có thể muốn mua một vài chiếc áo ngực cho con bú. Những chiếc áo ngực này giúp cho bé dễ dàng hơn. Bạn nên mua áo ngực cho con bú vài tuần trước thời điểm em bé của bạn chào đời cũng là lúc bộ ngực đã phát triển đến một kích thước phù hợp.
6. Ngực thay đổi thế nào sau khi sinh?
Sau khi sinh em bé, nồng độ estrogen và progesterone giảm nhanh chóng. Khoảng từ ngày thứ ba trở đi sau khi sinh, sữa non lúc này đã bị loãng bởi các chất lỏng bổ sung khiến sữa trông trắng hơn nhiều. Trong khoảng thời gian này, ngực của bạn có thể bắt đầu rò rỉ sữa.
Khi em bé bú, vú kích hoạt các dây thần kinh mang thông điệp đến não rằng sữa là cần thiết, em bé đang cần sữa. Một số phụ nữ cho biết họ thấy sữa rỉ ra từ núm vú khi họ nghe thấy con mình khóc, hoặc nếu ngực của họ đầy hoặc khi họ cảm thấy xúc động.
Rỉ sữa có thể xảy ra khá thường xuyên trong vài ngày đầu sau khi bạn sinh con và đôi khi bạn có thể cảm thấy bối rối. Đặt miếng đệm vú dùng một lần hoặc đệm có thể giặt được trong áo ngực của bạn có thể giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn.
7. Thay đổi của vú trong quá trình cho con bú
Những thay đổi xảy ra với bộ ngực khi mang thai là sự chuẩn bị của cơ thể để nuôi em bé sau này. Bộ Y tế khuyến cáo nên nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ ít nhất trong vòng 6 tháng đầu và tiếp tục giai đoạn sau kèm với ăn dặm. Nghiên cứu cho thấy việc cho con bú có thể làm giảm nguy cơ phát triển ung thư vú.
Cho con bú là một quá trình tự nhiên, nhưng đôi khi bạn có thể mất một chút thời gian để làm quen và có thực hành đúng. Nếu bạn thấy việc cho con bú khó khăn thì hãy nói chuyện với nữ hộ sinh hoặc điều dưỡng để được giúp đỡ.
Một số phụ nữ chọn không cho con bú vì một số khó khăn hoặc họ cảm thấy đó không phải là lựa chọn phù hợp cho cả mẹ và em bé. Sẽ không có sự phán xử đúng hay sai, bà mẹ chỉ cần cân nhắc và đưa ra quyết định mình cảm thấy tốt nhất cho em bé.
Ví dụ, những phụ nữ đã phẫu thuật vú – do ung thư vú, cắt bỏ vú, phẫu thuật núm vú hoặc cấy ghép vú – có thể thấy rằng họ không thể cho con bú. Điều này là do sự hình thành của mô sẹo ở vú. Tuy nhiên, một số phụ nữ vẫn có thể cho con bú sau phẫu thuật. Bạn có thể nhờ nữ hộ sinh, hoặc nhân viên tư vấn cho con bú giúp đỡ nếu cần.
8. Các vấn đề có thể gặp sau khi sinh em bé
Dưới đây là một số vấn đề bạn có thể gặp khi cơ thể đã có sữa xuất hiện (khi cơ thể bạn đã bắt đầu sản xuất sữa mẹ và không còn sữa non). Đồng thời, đây cũng là một số vấn đề các bà mẹ đều có thể gặp cho dù có cho con bú hay không. Các vấn đề có thể bao gồm:
- Núm vú bị nứt;
- Tắc tia sữa;
- Viêm vú;
- Áp xe vú;
- Bệnh tưa miệng ở trẻ;
Nếu bạn chọn không cho con bú thì cơ thể bạn sẽ ngừng sản xuất sữa. Bạn có thể thấy ngực cảm thấy nặng nề, khó chịu và đau trong vài ngày đầu. Mặc áo ngực hỗ trợ và giảm đau có thể giúp bạn cảm thấy khá hơn. Cơ thể sẽ tiếp tục sản xuất sữa miễn là bạn tiếp tục cho con bú. Khi bạn ngừng cho con bú, có thể mất một thời gian để việc sản xuất sữa chấm dứt hoàn toàn.