Bệnh nhân ung thư vú thường chán ăn do nhiều nguyên nhân như giảm năng lượng tiêu thụ, teo cơ, mệt mỏi, buồn nôn, thay đổi khẩu vị, khô miệng, táo bón. Ăn uống không đủ chất, thiếu dinh dưỡng khiến chất lượng cuộc sống của người bệnh suy giảm, ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.
BS.CKI Trần Thị Ngọc Bích, khoa Ngoại Vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết chế độ dinh dưỡng cần được chú trọng trước, trong và sau điều trị bệnh ung thư. Người bệnh nên ăn đa dạng thực phẩm, đầy đủ nhóm chất để có thể lực tốt, tăng cường sức đề kháng, chống lại bệnh nhiễm trùng như sốt, ho, cảm, lao…. Ăn uống hợp lý góp phần giúp cơ thể phục hồi nhanh sau phẫu thuật, hóa trị, xạ trị.
Uống đủ nước: Người ung thư có nhu cầu nước cao hơn bình thường, nên uống 2-3 lít nước lọc mỗi ngày. Khi điều trị ung thư, người bệnh thường gặp các tác dụng phụ như nôn mửa, tiêu chảy, chán ăn hoặc sốt… đều dễ làm mất nước. Uống đủ nước để cơ thể lọc chất thải, độc tố, điều chỉnh nhiệt độ, huyết áp và cân bằng điện giải, ngăn ngừa hoặc giảm táo bón.
Ăn đủ calo (năng lượng trong thực phẩm): Người bệnh cần theo dõi cân nặng sau mỗi 1-2 tuần, nếu giảm cân, nên trao đổi với bác sĩ để có chế độ ăn uống phù hợp. Ngoài các bữa chính, người bệnh nên kết hợp các bữa phụ, tăng lượng calo để hấp thụ chất dinh dưỡng dễ hơn. Người đang hóa trị, xạ trị bị mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn… nên chia nhỏ lượng thức ăn để bớt các triệu chứng này.
Bác sĩ Bích lưu ý người ung thư vú đang bị thừa cân, không nên giảm cân trong quá trình chữa bệnh, thay vào đó ăn uống lành mạnh kết hợp tập thể dục, giảm cân sau khi điều trị xong.
Đa dạng thực phẩm: Thực đơn có nhiều thực phẩm gồm thịt, cá, trứng, rau, trái cây, ngũ cốc, phô mai, sữa… giúp cơ thể có đủ chất dinh dưỡng cần thiết, tăng cường miễn dịch, chất điện giải, giảm mệt mỏi khi điều trị bệnh.
Duy trì đạm (Protein): Chất đạm giúp giữ khối lượng cơ thể. Quá trình hóa trị, xạ trị khi điều trị ung thư làm tăng nhu cầu tiêu thụ protein.
Nhu cầu protein của một người phụ thuộc vào các yếu tố như tuổi tác, cân nặng, chiều cao, mức độ hoạt động. Người bệnh không nên kiêng đạm, cần bổ sung đa dạng các món chứa đạm từ thịt, cá, trứng, ngũ cốc, phô mai, sữa. Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, đóng hộp vì chứa nhiều muối dễ làm tăng huyết áp, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Bác sĩ Ngọc Bích khuyên người bị nôn khi chữa bệnh cũng không bỏ bữa vì khiến tình trạng nặng hơn; nên chọn thực phẩm tươi, ít mùi, ít chất béo. Trường hợp táo bón nên ăn thực phẩm giàu chất xơ, uống nhiều nước. Đi bộ, uống nước ấm cũng cải thiện táo bón.
Người bệnh không nên kiêng khem, ăn uống thiếu chất vì dễ suy nhược, mệt mỏi, giảm sức đề kháng, tăng nguy cơ nhiễm trùng, không đủ sức khỏe trong quá trình điều trị, nhất là hóa trị, phẫu thuật.