Trả lời:
Vết thương phục hồi trong 3-6 tháng, với ba giai đoạn gồm phản ứng viêm, tăng sinh tế bào và tái tạo tổ chức.
Thịt gà quen thuộc trong mâm cơm gia đình người Việt. Hiện chưa có nghiên cứu chứng minh ăn thịt gà gây sẹo lồi. Sẹo hình thành phụ thuộc vào mức độ tổn thương và quá trình lành thương. Nếu tất cả yếu tố tham gia vào quá trình lành vết thương đều thuận lợi, vết thương sẽ để lại sẹo đẹp, nhỏ và mờ; ngược lại có thể hình thành nên sẹo xấu (sẹo phì đại, sẹo lồi, sẹo lõm). Sẹo thông thường nằm trong phạm vi của vết thương ban đầu, còn sẹo phì đại vượt ra ngoài phạm vi này.
Có nhiều nguyên nhân gây sẹo phì đại như nhiễm khuẩn, dính lông, tóc, bụi bẩn trong vết thương. Chấn thương không được xử lý đúng cách cũng dễ dẫn đến sẹo phì đại. Sẹo lồi thường do cơ địa, ít chịu nhiều ảnh hưởng bởi cách xử lý và chăm sóc vết thương.
Thịt gà chứa nhiều đạm, vitamin và khoáng chất, dễ tiêu hóa, hấp thu. Người bệnh ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng cần nhiều đạm để duy trì khối lượng cơ thể, tăng cường sức khỏe chống lại mệt mỏi, suy giảm thể lực khi hóa trị, xạ trị. Do đó, bạn không nên kiêng thịt gà.
Bạn nên chọn thịt gà tươi, nấu chín kỹ để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Không nên ăn thịt gà chế biến sẵn vì chứa nhiều muối dễ làm tăng huyết áp, nguy cơ cao mắc một số loại ung thư khác.
Trong chế độ ăn hàng ngày, bạn nên bổ sung đa dạng thực phẩm như thịt, cá, trứng, rau, trái cây, ngũ cốc, phô mai, sữa và các nhóm chất dinh dưỡng như chất xơ, tinh bột, đạm, vitamin, khoáng chất. Cơ thể khỏe mạnh giúp người bệnh tăng cường hệ miễn dịch, ngăn nhiễm trùng.
Để ngăn sẹo phì đại và giảm nguy cơ sẹo lồi, người bệnh nên chăm sóc vết thương đúng cách. Mỗi ngày, rửa vết thương bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch sát khuẩn, loại bỏ dị vật (tóc, lông…). Không băng vết thương chặt hoặc quá lỏng lẻo. Nếu vết thương có bất thường, bạn nên đến bác sĩ phẫu thuật để được chăm sóc đúng cách.